Câu chuyện cha mẹ cùng con đến trường ở Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ

Thứ ba - 20/10/2015 21:31
Cha mẹ cùng con đến trường, việc làm vốn dĩ vẫn quen thuộc, thường xuyên của tất cả các bậc phụ huynh. Nhưng cha mẹ thực sự cùng con đến trường, nắm bắt, hiểu rõ công việc dạy và học, phối hợp hiệu quả bền vững với nhà trường, thầy cô lại không hề giản đơn, cần có những cách làm sáng tạo, hiệu quả. Và mới đây trường tiểu học Hoàng Văn Thụ, thành phố Lào Cai tổ chức "Ngày hội cha mẹ cùng con đến trường" rất thành công, là cơ sở để ngành giáo dục triển khai ra diện rộng.
Câu chuyện cha mẹ cùng con đến trường ở Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ

"Ngày hội cha mẹ cùng con đến trường" của Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ thu hút đông đảo phụ huynh học sinh của 26 lớp tham dự. Ngày hội này, phụ huynh học sinh được tham dự trực tiếp vào các hoạt động học của học sinh như trò chơi khởi động, trải nghiệm các hoạt động theo nhóm và đặc biệt là cha mẹ học sinh chia sẻ kinh nghiệm cuộc sống gắn với kiến thức của bài học. Và sau buổi học cha mẹ học sinh được cùng con tham gia các hoạt động ngoại khoá, viết cảm xúc về buổi học. Ngày hội không dàn dựng theo kiểu lễ nghi mà chủ yếu hướng tới việc cha mẹ học sinh hiểu hơn về mô hình trường học mới Việt Nam, về các năng lực, phẩm chất các em có được sau mỗi giờ học, mỗi hoạt động.
Với việc tổ chức "Ngày học mở", nhà trường mong muốn cha mẹ học sinh cùng tham gia thực sự vào việc học của học sinh ở trường để phụ huynh học sinh nắm bắt, hiểu rõ phương pháp giảng dạy của giáo viên, cách học của học sinh. hiểu rõ hơn mục tiêu của của bài học theo mô hình VNEN là hướng tới phát triển năng lực phẩm chất của học sinh chứ không phải chỉ là mục tiêu về chuẩn kiến thức, kĩ năng. Cha mẹ học sinh sẽ hiểu rõ điểm mạnh, điểm yếu của con em mình học tập trên lớp học.
Đúng theo mục tiêu tổ chức ngày học mở của trường, cha mẹ học sinh rất hào hứng vì được cùng con học tập và hoạt động. Nhiều cha mẹ học sinh tham gia với vai trò là bạn của con mình. Họ cùng chơi, cùng tham gia thảo luận các hoạt động của bài học, cùng con tham gia đánh giá sản phẩm. Ban đầu họ cũng không khỏi lúng túng vì trở lại làm "cô cậu học trò". Nhưng với sự tự tin, tích cực, chủ động, các em đã thực sự lôi cuốn được cha mẹ vào các hoạt động của mình. Các em cùng cha mẹ tham gia các phần thi trải nghiệm kĩ năng sống theo khối lớp. Các cặp đôi cha-con, mẹ-con hào hứng với các phần thi đã tạo nên không khí sôi động của Ngày hội.
Tham gia một buổi học tập cùng con, nhiều cha mẹ đã "vỡ" ra nhiêu nhẽ. Họ đã có rất nhiều tâm sự và cũng trút bỏ được gánh nặng bấy lâu về phương pháp học tập của mô hình VNEN. Chị Bùi Thị Phương Thảo – Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân Phường đã tham gia vào một tiết học môn Toán của lớp 2A4 cùng con gái. Chị tâm sự "Hôm nay em mới thực sự hiểu về cách học của các con. Trước đây em rất lo lắng vì nghĩ rằng học theo nhóm thì chỉ có bạn nhóm trưởng được hoạt động tích cực còn các bạn khác sẽ bị mờ nhạt. Nhưng hôm nay em đã được chứng kiến các em được luân phiên làm nhóm trưởng, được học tập cùng nhau và em nào cùng biết tự học. Em cũng không nghĩ rằng mới lớp 2 mà các con đã chủ động trong học tập và điều khiển các hoạt động tốt đến thế". Cũng với dòng tâm sự nhiều cảm xúc, chị Hà – phụ huynh học sinh lớp 1 đã thực sự ấn tượng với buổi hoạt động.Đó là cảm thông trước sự vất vả, tỷ mỉ, cần mẫn của giáo viên cho những giờ lên lớp. Bởi chị chứng kiến thấy để thực hiện được một giờ giảng dạy đạt kết quả, giáo viên không chỉ thiết kế bài học mà còn phải tự thiết kế đồ dùng dạy và học. Tài liệu đề ra rất nhiều hình ảnh trực quan sinh động, nên cùng với việc sử dụng đồ dùng có sẵn thì đòi hỏi giáo viên phải sáng tạo, tự thiết kế, cắt ghép, tạo ra nhiều đồ dùng dạy học mới góp phần làm phong phú, cuốn hút học sinh học tập đạt kết quả. Đặc biệt, dự giờ, chị Hà hiểu rõ cậu con trai của mình học lực đang nằm trong tốp nào của lớp, hiểu rõ cháu hiếu động hay thụ động trong giờ học. Hiểu rõ yêu cầu của bài giảng, hiểu rõ phương pháp giảng dạy của giáo viên và đặc biệt hiểu rõ điểm mạnh, điểm yếu của con mình, chị Hà cho biết, sẽ cùng con đến trường nhiều hơn, thường xuyên phối hợp với giáo viên nhà trường để nắm bắt được tình hình học tập, rèn luyện ở trường, lớp của con, trên cơ sở đó hỗ trợ con mình phát huy các điểm tốt hoặc kịp thời điều chỉnh, sửa chữa các điểm hạn chế trong học tập và rèn luyện.

Ngoài việc dự giờ trên lớp học, tham gia ngày hội "Cha mẹ cùng con đến trường", phụ huynh học sinh còn cùng con tham gia các hoạt động ngoại khoá như tham quan, dã ngoại tại các vùng quê nông thôn, tại các đơn vị bộ đội, hướng dẫn các con tập làm các món ăn nhẹ cho mình và cho bạn (nem rán, bánh khoai, sữa chua dầm hoa quả...), các con được tập gói bánh chưng ngày tết, tô tượng, vẽ tranh phong cảnh...Quan sát và cùng tham gia, chị Nguyễn Thu Hương ở phường Cốc Lếu rất phấn khởi về tính hòa đồng, nhanh nhẹn của cô con gái đang học lớp 2. Chi Hương cho biết, trước đây ngày còn ở mẫu giáo, con gái chị khá nhút nhát, sợ sệt trước đám đông. Bây giờ thông qua những giờ học trên lớp theo mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN) với rất nhiều ưu điểm như lớp học do học sinh tự quản, làm việc theo cá nhân, cặp, nhóm. Theo đó, con chị được học trong môi trường thân thiện, thoải mái, không bị gò bó, luôn được gần gũi với bạn bè, với thầy cô nên giờ đã thay đổi một cách tích cực, cháu mạnh dạn thảo luận nhóm, mạnh dạn giơ tay phát biểu. Tham dự trực tiếp các hoat động của cô trò, chị Hương hiểu rõ vai trò, sự cần thiết tham gia và hiểu rõ những phần việc thuộc trách nhiệm của phụ huynh với việc thực hiện hoạt động ứng dụng ở nhà của các con, chị cũng hiểu biết thêm về việc quan tâm đến vai trò đề xuất hoạt động của con ở gia đình. Do đó chị cho biết sẽ chủ động hơn nữa, phối hợp ủng hộ tích cực hơn nữa với giáo viên, nhà trường để con mình được phát triển toàn diện.

Mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình là mối quan hệ hai chiều phải được quan tâm thường xuyên và giải quyết kip thời theo từng bước phát triển của xã hội. Cô giáo Trần Thị Minh Thu - Trưởng phòng giáo dục Tiểu học Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai có mặt tham dự "Ngày hội cha mẹ cùng con đến trường" cho rằng: Cha mẹ là người thầy giáo đầu tiên, lâu dài của mỗi con người. Kết quả giáo dục gia đình phụ thuộc rất nhiều vào phẩm chất, trình độ học vấn và nghệ thuật sư phạm của các bậc cha mẹ. Nhưng "đội ngũ thầy giáo" này lại hầu như bị xã hội bỏ quên, không được đào tạo, mà cũng ít người ý thức được vai trò của mình như một việc làm tự nhiên, theo truyền thống với những kinh nghiệm ít ỏi có được và không có hệ thống mà các bậc làm cha làm mẹ thu thập được qua sự trải nghiệm của cuộc sống. Vì vậy, việc những trường tiểu hoc như Hoàng Văn Thụ tổ chức "Ngày hội cha mẹ cùng con đến trường" được xem là cách bồi dưỡng kiến thức về khoa học giáo dục cho các bậc cha mẹ, góp phần cải thiện công tác giáo dục gia đình cho con cái mình.
Đồng thời cha mẹ thực sự cùng con đến trường sẽ tạo mối quan hệ khăng khít giữa nhà trường và gia đình, giúp mỗi giáo viên có thêm hiểu biết về học sinh, nhất là học sinh có hoàn cảnh khó khăn, từ đó có phương pháp giáo dục phù hợp, toàn diện và có định hướng đúng để quan tâm giúp đỡ được nhiều hơn đối với từng em trong từng hoàn cảnh khác nhau.



Cha mẹ thực sự cùng con đến trường, tham dự trực tiếp giờ học, tham dự hoạt động ngoại khóa của cô trò còn được xem là yếu tố thúc đẩy sự tự tin, thúc đẩy việc thi đua nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn của đội ngũ giáo viên nhà trường. Trong những năm qua, ngôi trường trung tâm thành phố này luôn là điểm sáng của ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố Lào Cai thực hiện mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN). Theo đó, cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất, nhà trường rất chú trọng việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Và thông qua phản hồi, đóng góp ý kiến của đông đảo phụ huynh học sinh, nhất là tổ chức "Ngày hội cha mẹ cùng con đến trường", như là đợt sát hạch, kiểm tra chuyên môn của đội ngũ giáo viên nhà trường. Những giáo viên dạy giỏi sẽ được phát huy, những giáo viên nghiệp vụ chuyên môn có thể còn non nớt sẽ phải cố gắng nỗ lực vươn lên, tự học tập, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ thì mới đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của ngành, của xã hội và của đông đảo phụ huynh học sinh. Bằng cách "sát hạch" như vậy nên phong trào thi đua lao động sáng tạo, thi đua dạy tốt, học tốt của thầy và trò nhà trường được duy trì thường xuyên, đạt kết quả cao. Bởi vậy, những năm học vừa qua trường tiểu học Hoàng Văn Thụ luôn dẫn đầu khối các trường tiểu học của thành phố về đội ngũ giáo viên, chất lượng giáo dục.
Cha mẹ cùng con đến trường, chuyện của mọi gia đình, mối quan tâm rất lớn của xã hội. Mối quan hệ nhà trường, gia đình và xã hội sẽ gắn kết, hiệu quả bền vững hơn bởi những cách làm sáng tạo, hiệu quả ở mỗi mái trường, mỗi địa phương. 

Tác giả bài viết: Cô Bùi Thị Kim Chi - Hiệu trưởng

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi