Trường TH Hoàng Văn Thụ

http://thhoangvanthu.edu.vn


NGƯỜI GIEO HẠT VÀNG

Bài viết dự thi “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
NGƯỜI GIEO HẠT VÀNG
Cô giáo Kim Chi tâm sự, cô học được nhiều ở những học sinh giỏi của mình, cô không áp đặt cách dạy vào những bộ óc luôn sáng tạo của học sinh. Cô dạy các em bằng tình yêu trẻ và đưa đến cho các em những khát vọng đầu đời như người đi gieo hạt giống để chờ mong những mùa quả ngọt.Gặp chúng tôi khi vừa trở về từ lễ tuyên dương cán bộ quản lý giỏi cấp tiểu học cấp quốc gia, cô Bùi Thị Kim Chi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ (thành phố Lào Cai) không giấu nổi niềm vui bởi những tâm huyết của mình được các đồng nghiệp khắp mọi miền đất nước ghi nhận. Tự hào bởi trong buổi lễ ấy, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng đã đánh giá cao sáng kiến có tính ứng dụng cao, lại đến từ một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn như Lào Cai.  
Điểm nổi bật trong sáng kiến kinh nghiệm "Tổ chức mô hình sinh hoạt chuyên môn mới tại Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ" là việc đổi mới sinh hoạt tổ chuyên môn, thống nhất soạn bài với tinh thần khuyến khích giáo viên sáng tạo, không lệ thuộc sách giáo khoa, sách giáo viên và những quy định máy móc, hình thức hay ý định chủ quan của người quản lý. Sáng kiến cũng đề xuất tổ chức dự giờ theo cách người dự tập trung quan sát học sinh học tập là chính, không làm ảnh hưởng đến người dạy. Khi thảo luận, trao đổi chủ yếu bàn về những tình huống nổi trội của giờ dạy, nguyên nhân học sinh học tốt, nguyên nhân học sinh gặp khó khăn. Sáng kiến của mô hình còn là cách tháo gỡ, góp ý việc đảm bảo quan hệ tương tác giữa giáo viên và học sinh, giữa học sinh với học sinh trong quá trình học tập, trao đổi cách điều chỉnh nội dung, cách thức tổ chức lớp học linh hoạt, sáng tạo.
      Sáng kiến "Tổ chức mô hình sinh hoạt chuyên môn mới tại Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ" đã thực hiện được một năm và hiệu quả không chỉ thể hiện ở con số thống kê học sinh khá, giỏi mà quan trọng hơn mỗi giáo viên và học sinh luôn được phát huy khả năng sáng tạo của mình. Cô Kim Chi tâm sự: Khi viết sáng kiến kinh nghiệm này, tôi luôn suy nghĩ làm sao khi dạy học, giáo viên phải đặt lợi ích học sinh lên trên trong mỗi giờ lên lớp. Từ sáng kiến này, mỗi giờ học ở Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ trở thành nơi mà cô và trò cùng trao đổi, ánh mắt nụ cười, một chút rụt rè của các em đều là thông điệp để các cô biết bài giảng của mình còn chỗ nào thiếu sót. Mỗi lời giải cho bài toán cũng giống như cái đích để hướng đến và giáo viên khơi gợi cho học sinh tìm con đường đến đích.
        Cô Kim Chi cho biết, ban đầu thí điểm sáng kiến này cũng gặp nhiều khó khăn bởi không quyết liệt sẽ trượt về phương pháp cũ. Lúc này vai trò của người đứng đầu vô cùng quan trọng, cô Kim Chi vừa trực tiếp lên lớp trao đổi kinh nghiệm giảng dạy, vừa động viên, khuyến khích giáo viên, nhất là giáo viên trẻ tích cực sáng tạo. Giáo viên tiểu học - những người làm nhiệm vụ ươm mầm ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển cả về trí tuệ và nhân cách của mỗi học sinh sau này.
Nhiều năm làm giáo viên, rồi cán bộ Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Lào Cai, năm 2009, cô Kim Chi được phân công về làm Phó hiệu trưởng và nay là Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ. Nhưng nhiều bậc phụ huynh và các thế hệ học sinh biết đến bởi cô Kim Chi là một trong những giáo viên có uy tín trong phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi cấp tiểu học. Năm học này, trong số 6 học sinh tiểu học của tỉnh tham gia Olympic Toán tuổi thơ toàn quốc năm 2012 tới đây tại Cà Mau, Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ có 2 học sinh.
Bắt đầu bồi dưỡng học sinh giỏi từ những năm đầu tái lập tỉnh, ngày ấy, giáo dục Lào Cai còn gặp nhiều khó khăn, vừa làm chủ nhiệm giảng dạy đại trà, vừa sàng lọc tìm học sinh giỏi để tập trung bồi dưỡng. Cô Kim Chi cho biết: Soạn giáo án cho học sinh giỏi thực sự rất vất vả, giáo án soạn mất vài ngày, nhưng chỉ dạy một ngày. Tài liệu thiếu nhiều, kinh nghiệm bồi dưỡng học sinh giỏi cũng chưa có, chỉ có cách là phải tự đi sưu tầm trên các tạp chí toán học. Phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi đối với cô Chi như một sự tình cờ, trở thành niềm say mê chứ không đơn thuần là công việc của người giáo viên.
Trước đó, khi còn công tác tại Trường Tiểu học Lê Văn Tám (thành phố Lào Cai), có những năm cô Kim Chi cùng các đồng nghiệp bồi dưỡng 9 học sinh giỏi thì cả 9 em đều đoạt giải cao trong kỳ thi Quốc gia. Cô không giấu diếm chuyện nhiều phụ huynh sẵn sàng trả tiền dạy thêm rất cao để mời cô dạy riêng cho con em họ, nhưng cô đã từ chối. Bồi dưỡng học sinh giỏi có những lúc căng thẳng, nhưng học sinh mang cho cô niềm vui được hòa mình vào thế giới sáng tạo của các em, cô đưa những bài toán đến với học sinh nhẹ nhàng như những trò chơi mà các em yêu thích.
Đối với cô Kim Chi, học sinh tiểu học như những hạt giống quý, nếu biết khơi dậy trong các em khát khao tìm hiểu thì các em sẽ sáng tạo không ngừng. Khi các em tò mò khám phá, nếu giáo viên luôn biết khơi dậy tinh thần học hỏi của các em thì sẽ phát hiện và nuôi dưỡng được nhiều tài năng hơn cả thực tế.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây